Thứ Ba, 29/04/2025
Tìm kiếm
Ngày: 30/09/2024 | 8139
Bản tin KHCN xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách ”Mô hình định hướng phát triển bền vững các huyện đảo ven bờ Lý Sơn và Phú Quý” nằm trong bộ sách chuyên khảo Biển và công nghệ Biển. Qua nội dung trình bày trong cuốn sách, các tác giả đã giới thiệu cơ sở lý luận về phát triển bền vững, tiềm năng và thực trạng phát triển các huyện đảo ven bờ làm cơ sở để xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững. Đồng thời các tác giả cũng giới thiệu kết quả tính toán dự báo xu thế phát triển và đề xuất mô hình định hướng phát triển bền vững cho các huyện đảo cũng như kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cho các huyện đảo.
Theo Công ước quốc tế về Luật Biển, một hòn đảo là một vùng đất hình thành tự nhiên, được bao quanh bởi nước và nằm trên mặt nước khi thủy triều lên. Theo đó, đảo nhân tạo không được gọi là một hòn đảo theo nghĩa thông thường. Do vị trí địa lý đặc biệt của mình, đảo có những đặc trưng và tính chất riêng, vì thế cần phải hiểu rõ đặc tính của hệ thống đảo nói chung và từng đảo nói riêng thì mới có thể xây dựng chiến lược mô hình phát triển mang tính bền vững. Khác với các đảo lớn và cực lớn về diện tích, các đảo nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc thiết kế quy hoạch không gian và hệ thống quản lý, như quy mô nhỏ, xa xôi, biệt lập, sức chứa thấp để duy trì được các chức năng sinh thái nhưng lại là nơi gánh chịu các tai biến thiên nhiên và hiện tượng cực đoan, cùng với nền kinh tế mong manh, phụ thuộc vào đất liền hoặc các quốc gia khác. Nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế nên sự cân bằng của chúng vô cùng nhạy cảm. Hạn chế về mặt lãnh thổ cũng khiến cho việc tìm kiếm sinh kế thay thế và địa điểm để phát triển kinh tế cũng trở nên khó khăn. Đối với hệ thống đảo nhỏ vấn đề bền vững không dễ dàng áp dụng, bởi thường phải đối mặt với những mâu thuẫn cố hữu giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường, được nhấn mạnh bởi nguồn lực hạn chế và tính dễ bị tổn thương.
Khai thác tiềm năng biển, đảo là vấn đề quan trọng mang tính chiến lược ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và không có biển.
Việt Nam có khoảng 3.773 hòn đảo ven bờ với diện tích hơn 1.600 km², cùng với các đảo xa bờ thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó trên 66 đảo có khoảng 155.000 dân sinh sống tập trung chủ yếu ở vùng ven bờ Đông Bắc. Có khoảng 100 đảo có diện tích từ 1 km² trở lên (là những đảo có diện tích đủ lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Về mặt hành chính, đến nay hệ thống các đảo Việt Nam đã thành lập 1 thành phố và 11 huyện đảo trực thuộc 9 tỉnh. Ngoài ra, Việt Nam còn 11 xã đảo, 1 phường đảo và hàng trăm đảo khác trực thuộc các đơn vị hành chính trên bờ, từ trực thuộc thành phố, thị xã, huyện đến các phường và xã. Lý Sơn và Phú Quý có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nhờ vào nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo để phục vụ hoạt động du lịch. Cùng với nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, Lý Sơn và Phú Quý trong những năm gần đây đã đón nhiều lượt khách, trong đó có sự gia tăng đáng kể lượng khách quốc tế. Do đó, việc phát triển du lịch ở Lý Sơn và Phú Quý để đảm bảo định hướng bền vững, cần có chính sách tổng thể, hài hòa giữa phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân trong ngành du lịch, nhưng cũng đồng thời phải chia sẻ lợi nhuận hợp lý giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng địa phương và đặc biệt ưu tiên sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đẹp vốn có của đảo. Cả hai huyện đảo Lý Sơn và Phú Quý đang trong quá trình phát triển kinh tế biển, song việc phát triển kinh tế - xã hội trên các đảo đang phải gặp nhiều vấn đề như việc dân số các huyện đảo tăng nhưng nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và đời sống không đảm bảo, các vấn đề xã hội tiềm ẩn khi không quản lý được vấn đề bố trí dân cư, các tai biến tự nhiên như sạt lở và thiên tai gia tăng. Việc phát triển không đồng bộ và thiếu kiểm soát các ngành nghề kinh tế trên đảo không chỉ ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên mà còn dẫn tới các hệ lụy về mặt xã hội như việc phát triển du lịch thiếu bền vững sẽ là tiền đề việc mất ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên đảo. Vấn đề đặc biệt quan trọng đối với các huyện đảo là cả hai huyện đảo đều thuộc hệ thống các đảo tiền tiêu và nằm trên đường cơ sở để xác định lãnh hải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên thực tế các đảo nhỏ thường chịu các áp lực lớn về môi trường cũng như các thách thức về kinh tế do quy mô nhỏ bị cô lập về mặt địa lý, đa dạng sinh học đặc thù, thường xuyên tiếp xúc với thiên tai, mật độ dân số cao, cơ sở nguồn lực tại chỗ thấp… Tuy nhiên cho tới hiện tại chưa có 1 bộ tiêu chí tổng hợp hoàn thiện cho hệ thống các đảo nhỏ ven bờ. Các nghiên cứu mới chỉ xem xét đến phát triển bền vững một số ngành kinh tế đặc thù như du lịch, hay hệ sinh thái - xã hội bền vững, sinh thái - kinh tế bền vững. Chính vì vậy, nghiên cứu phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho các đảo nhỏ ven bờ là xu thế tất yếu trong nghiên cứu phát triển bền vững và nghiên cứu phát triển kinh tế biển của các quốc gia có biển. Trong tiến trình phát triển của thế giới, mỗi khu vực và quốc gia xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc thù riêng của địa phương. Nghịch lý của sự phát triển là khi kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên không chỉ nguồn tài nguyên không tái tạo được, mà cả một số nguồn tài nguyên tái tạo làm cho môi trường tự nhiên càng bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ với những hệ lụy là những thiên tai vô cùng thảm khốc. Đó chính là sự tăng trưởng kinh tế không cùng nhịp với tiến bộ và phát triển xã hội. Trong những năm gần đây kinh tế biển của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc tuy nhiên bên cạnh đó là các hệ lụy như áp lực gia tăng dân số trên các đảo, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đảo quá nhanh so với sự phân bố lực lượng lao động. Đảo còn là nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, hiện tượng xói lở bờ biển và tẩy trắng san hô ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển - đảo như giảm sản lượng cá, giảm giá trị điểm đến của hoạt động du lịch. Đặc biệt, trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, các nước ngày càng quan tâm tới biển thì việc phát triển kinh tế biển càng trở thành xu thế tất yếu trên con đường tìm kiếm và đảm bảo các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm cũng như không gian sinh tồn cho loài người trong tương lai.
Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích, có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo đại học và sau đại học.
Tin: Phan Thị Nam Phương
Copyright © 2025 ISDI-VAST. All rights reserved.