Thứ Ba, 29/04/2025
Tìm kiếm
Ngày: 31/07/2024 | 9241
Giải pháp bền vững để chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu - Chất xúc tác mới chuyển đổi CO2 thành khí tự nhiên một cách hiệu quả
Việc giảm khí nhà kính luôn là chủ đề được quan tâm nghiên cứu để giải quyết vấn đề đáng lo ngại về hiện tượng nóng lên toàn cầu, như cách thức để chuyển đổi carbon dioxide trong khí quyển, một nhân tố quan trọng gây ra biến đổi khí hậu thành các chất hữu ích như khí tự nhiên. Mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học công nghệ Daegu Gyeongbuk Hàn Quốc (DGIST) đã phát triển một chất quang xúc tác hiệu quả cao có thể chuyển đổi CO2 thành khí mê-tan, có khả năng mang lại giải pháp bền vững để chống lại sự nóng lên toàn cầu, bằng cách sử dụng cadmium selenide và titan dioxide vô định hình, đạt được hiệu suất chuyển đổi khí mê-tan ở mức 99,3% với khả năng tái tạo cao. Nguồn: https://scitechdaily.com/
Bánh mì làm thuốc? Bánh mì Brazil mới có thể ngăn ngừa bệnh hen suyễn
Hen suyễn là một trong những căn bệnh phổ biến nhất trên thế giới với nguyên nhân chính được biết có liên quan đến các chất kích thích từ môi trường, chế độ ăn và hệ vi sinh đường ruột, cùng nhiều yếu tố khác. Các nhà nghiên cứu Braxin đã tạo ra một loại bánh mì sử dụng men vi sinh Saccharomyces cerevisiae UFMG A-905 có tiềm năng ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn ở chuột. Công thức bánh mì hiện đã được cấp bằng sáng chế, có tác dụng giảm viêm đường hô hấp và các dấu hiệu sinh học của bệnh hen suyễn trên các đối tượng thử nghiệm. Tuy rằng cần thử nghiệm thêm trên người nhưng nhóm nghiên cứu vẫn lạc quan về tiềm năng sử dụng bánh mì như thực phẩm tự nhiên, được tiêu thụ rộng rãi để kiểm soát bệnh hen suyễn.Nguồn: https://scitechdaily.com/
Thuật toán AI mới giúp phát hiện hình ảnh và video giả mạo với độ chính xác 98%
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Drexel, Mỹ đã phát triển một kỹ thuật toán trí thông minh nhân tạo (AI) mang tên “MISLnet” có khả năng phát hiện các hình ảnh và video giả mạo (Deepface) với độ chính xác đáng kinh ngạc. Các chương trình chỉnh sửa ảnh bằng cách thêm, xóa, dịch chuyển các pixel hoặc chỉnh sửa video bằng cách làm chậm, tăng tốc, cắt các khung hình đều để lại một “dấu vết kỹ thuật số” và thuật toán MISLnet có thể nhận dạng các dấu hiệu đặc trưng này với độ chính xác lên tới 98%. Bước đột phá này là một thuật toán đánh dấu cột mốc quan trọng mới trong việc phát hiện hình ảnh và nội dung video giả mạo. Nguồn: https://www.livescience.com/
Quy trình đơn giản lưu trữ CO2 trong bê tông
Các nhà khoa học tại Đại học Northwestern đã tìm ra một phương pháp mới lưu trữ CO2 trong vật liệu xây dựng phổ biến, không chỉ có thể cô lập CO2, mà còn giúp sản xuất bê tông có độ bền vượt trội. Trong các thí nghiệm, quy trình này đạt được hiệu suất cô lập CO2 lên tới 45%, nghĩa là gần một nửa lượng CO2 được bơm vào trong quá trình sản xuất bê tông đã được thu giữ và lưu trữ. Trưởng nhóm nghiên cứu nêu ý kiến rằng ngành công nghiệp xi măng và bê tông hiện đang góp phần đáng kể gây phát thải CO2 và họ đang cố gắng phát triển các phương pháp nhằm giảm lượng khí thải CO2 liên quan đến ngành công nghiệp này và cuối cùng có thể biến xi măng và bê tông thành các bể chứa cacbon khổng lồ. Dù chưa đạt được mục tiêu đó, nhưng hiện giờ họ đã có một phương pháp mới để tái sử dụng một phần CO2 thải ra từ quá trình sản xuất bê tông bằng chính loại vật liệu này, giải pháp đơn giản về mặt công nghệ nên ngành công nghiệp có thể dễ dàng triển khai. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Communications Materials. Nguồn: https://www.sciencedaily.com/
Tin: Chu Võ Thu Hà
Nguồn: Báo KHCN nước ngoài
Copyright © 2025 ISDI-VAST. All rights reserved.