Thứ Ba, 29/04/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu sách: Bazan miocen - Đệ tứ lãnh thổ Việt Nam

Ngày: 30/11/2024 | 4421

Bản tin KHCN xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách chuyên khảo: “Bazan miocen - Đệ tứ lãnh thổ Việt Nam”. Cuốn sách cung cấp các khái niệm về các biến loại đá bazan, tính chất hoá lý, đặc điểm thạch học và địa hoá, kiến trúc và cấu trúc của chúng, thông tin toàn cảnh về chế độ địa động lực manti - thạch quyển các thời điểm núi lửa hình thành và phun trào. Đồng thời cuốn sách chuyên khảo sẽ là tài liệu học tập, tra cứu hữu ích đối với sinh viên, học viên cao học chuyên ngành thạch học - địa hoá đá magma và sau hết là tư trang đồng hành với những người ham tìm hiểu về một số quá trình vận động trong tự nhiên, cũng như muốn tìm hiểu thêm về thiên nhiên và cảnh quan núi lửa Việt Nam. 

Cuốn sách Bazan miocen - Đệ tứ lãnh thổ Việt Nam.

Cuốn sách được chia làm 6 chương:
Chương 1: Magma núi lửa Miocen - Đệ tứ lãnh thổ Việt Nam và lân cận.
Chương 2: Thạch học đá bazan Miocen - Đệ tứ Việt Nam.
Chương 3: Đặc điểm thành phần địa hoá và đồng vị Bazan Miocen - Đệ tứ.
Chương 4: Các thành tạo đá núi lửa Neogen - Đệ tứ trũng sâu Biển Đông và nguồn gốc địa động lực liên quan.
Chương 5: Bao thể siêu Mafic Manti trong bazan kiềm.
Chương 6: Nguồn gốc, động lực Manti và điều kiện hình thành các tạo Magma Miocen - Đệ tứ lãnh thổ Việt Nam và kề cận.

Theo bản đồ địa chất Đông Nam Á cho thấy một loạt các vùng đá núi lửa bazan được cho là có tuổi cuối Kainozoi (Miocen - Đệ tứ), các vùng bazan ở Thái Lan và phía Tây Campuchia có diện lộ tương đối nhỏ và phân tán, trong khi tại phía Đông Campuchia, Nam Lào và Việt có các lớp phủ rộng và dày hơn. Đá núi lửa bazan tuổi Kainozoi muộn cũng được phát hiện tại phía Nam và Tây Nam Trung Quốc, Malaysia và tại Đông Nam Myanmar. Carbonnel và Poupeu (1969) và Carbonnel là những nhà nghiên cứu đầu tiên trên thế giới xác định tuổi đồng vị sử dụng phương pháp vết phân rã trên tinh thể zircon đối với một số đá bazan tại Đông Dương. Các báo cáo khoa học đầu tiên về hoạt động núi lửa trẻ, tuổi Miocen - Đệ tứ (khoảng 16tr. năm đến nay) tại Đông Dương được tìm thấy trong các công trình của Fontaine và Workman (1978), Barr và MacDonald (1979, 1981). Ngoài các công trình của nhóm Barr và MacDonald lần đầu tiên báo cáo về thành phần hoá học và số liệu tuổi đồng vị một số đá phun trào bazan tại Đông Dương (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam), các công trình còn lại chủ yếu mô tả vết lộ, thành phần thạch học và tuổi phun trào căn cứ trên quan hệ địa tầng.

Tại Việt Nam, các tác giả Nguyễn Kinh Quốc và Lê Ngọc Thước (1979), Nguyễn Kinh Quốc và Nguyễn Thứ Giáo (1980) có các báo cáo về thành phần thạch học và địa hoá bazan đầu tiên đối với núi lửa Kainozoi tại Tây Nguyên. Các công trình nghiên cứu về đá bazan trẻ lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là tại Tây Nguyên, khu vực ven biển và thềm lục địa được xúc tiến nhanh chóng phần lớn nhờ sự hợp tác quốc tế với các nhà địa chất Liên Xô cũ và khối các nước Đông Âu, đặc biệt với các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Việt Nam, tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tiếp sau các chuyến khảo sát Biển Đông trên tàu nghiên cứu Vulcanolog kết hợp với các tuyến thực địa khảo sát các cao nguyên bazan tại Tây Nguyên, nhiều báo cáo khoa học có giá trị đã ra đời. Đây là những công trình đầu tiên mang các giá trị khoa học hiện đại về nghiên cứu đá núi lửa tại Việt Nam và là những báo cáo về tuổi đồng vị một số vùng núi lửa tại Đông Nam Bộ, Đà Lạt và Trung Trung Bộ.

Từ những năm 1990, đá núi lửa bazan Việt Nam đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu trong nước và thế giới để tìm hiểu mối tương quan giữa hoạt động núi lửa và kiến tạo tách giãn hình thành Biển Đông dựa trên lý thuyết kiến tạo trượt thoát thạch quyển (lithospheric extrusion tectonics), phát sinh do sự va đẩy “cứng” của mảng Ấn Độ vào mảng Âu-Á cách đây khoảng 45-50tr. năm của nhóm tác giả do giáo sư Tapponnier dẫn đầu. Năm 1995, Giáo sư Tamaki thuộc Đại học Tokyo đã trình bày ý tưởng sự va đẩy mảng Ấn Độ vào Âu-Á làm dịch chuyển các khối thạch quyển đã làm phát sinh các dòng manti (mantle flow) hướng Đông - Tây. Chính các dòng manti (cả nông và sâu) là các động lực chính gây tách giãn Biển Đông (Tamaki, 1995), nóng chảy giảm áp vật chất manti, tất yếu dẫn đến hoạt động núi lửa. Ý tưởng này, cùng với các bằng chứng về cấu trúc và tuổi đồng vị đã được nhóm tác giả hoàn thiện trên cơ sở số liệu đồng vị phóng xạ và hoá học nguyên tố của đá bazan Việt Nam và xây dựng nên nền tảng học thuyết magma - kiến tạo trên cơ sở động lực dòng manti tại khu vực Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Đá núi lửa (từ đây gọi là đá bazan, magma bazan hay bazan) tuổi Kainozoi muộn phân bố rất rộng trên phần lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Trên lục địa, các lớp phủ bazan chiếm tổng diện tích gần 25.000 km², có độ dày từ vài mét đến hơn 400 m (tại trung tâm cao nguyên Pleiku). Lớp phủ bazan được tạo thành từ nhiều đợt phun trào xảy ra trong hàng triệu năm, từ cách đây khoảng 16 tr. năm đến nay. Mỗi đợt tạo thành một lớp bazan có chiều dày từ vài mét đến vài chục mét, thậm chí hằng trăm mét như tại Đắk Mil, thuộc cao nguyên Đắk Nông. Giữa các lớp rắn chắc, đôi nơi phát hiện các lớp tro bụi hoặc vụn núi lửa, hình thành các tầng chứa nước quý hiếm phục vụ cho sinh hoạt và cây trồng tại các vùng khô hạn như Tây Nguyên. Sản phẩm phong hoá từ các lớp phủ bazan, dân gian gọi là đất đỏ bazan, dao động từ vài mét (khu vực ven biển) đến hằng trăm mét (khu vực Di Linh - Bảo Lộc) tạo thành lớp đất trồng phì nhiêu, rất thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu,... Lớp đất phong hoá còn là nguồn nguyên liệu công nghiệp như kim loại nhôm, sắt,...

Nhiều địa hình địa mạo núi lửa tạo nên cảnh quan hấp dẫn như các thác nước Dray Sáp, Gia Long và Trinh Nữ thuộc tỉnh Đắk Nông, thác Dambri tại Bảo Lâm (Bảo Lộc), hay thác Prenn tại Đà Lạt,... Các dòng dung nham núi lửa chảy qua các địa hình sông suối đặc biệt, có thể dần tạo thành các hang động (còn gọi là ống) núi lửa độc đáo. Đá bazan Việt Nam không chỉ có ý nghĩa kinh tế và du lịch, mà còn là một bảo tàng tự nhiên khổng lồ đối với những học giả, nhà khoa học chuyên ngành và người yêu thiên nhiên quan tâm nghiên cứu. Đá bazan được hình thành từ độ sâu từ 45 km đến > 90 km bên dưới bề mặt Trái Đất. Nghiên cứu đá bazan cho các thông tin quan trọng về cấu trúc, chế độ nhiệt - áp và trạng thái hoá lý các vùng sâu bên dưới vỏ Trái Đất (gọi là manti) vào thời gian xảy ra hoạt động núi lửa. Đá bazan cho thông tin về trạng thái thạch quyển (bị nén ép, tách giãn, bị kéo xuống bên dưới, hay bị trôi dạt) và động lực chủ đạo của vùng manti tại thời gian bắt đầu và kết thúc quá trình nóng chảy vật chất của chúng (xáo trộn do dòng đối lưu, các ống nhiệt cao (2.000 °C) xâm nhập từ dưới sâu, có thể từ ranh giới manti - nhân của Trái Đất, hay các dòng manti dịch chuyển ngang gây xáo trộn không chỉ manti mà cả lớp thạch quyển bên trên.

Nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên hiện tại là để hiểu các quá trình tự nhiên đã xảy ra trong quá khứ. Hiểu biết về sự vận động thiên nhiên trong quá khứ là cách phòng tránh các tai biến tự nhiên có thể xảy ra hiện nay. Về địa chất, vị trí địa lý của lãnh thổ Việt Nam được xem là tương đối ổn định; tuy nhiên không ai có thể khẳng định liệu tai biến núi lửa còn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam hay không.

Cuốn sách không chỉ công bố nhiều số liệu hoá học, đồng vị phóng xạ và tuổi đồng vị mới về đá bazan Miocen - Đệ tứ lãnh thổ Việt Nam được minh họa qua các phương pháp đồ thị và luận giải hiệu quả, hiện đại mà còn là tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho những học giả thuộc các ngành Khoa học Trái Đất và Khoa học biển, các nhà hoạch định chiến lược khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

Tin: Phan Thị Nam Phương

Copyright © 2025 ISDI-VAST. All rights reserved.