Thứ Ba, 29/04/2025

Tìm kiếm

Họp báo thông tin về Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ 6 tháng đầu năm 2024

Ngày: 12/07/2024 | 8637

Ngày 12/7/2024, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Họp báo thông tin về Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ 6 tháng đầu năm 2024 do PGS.TS. Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm chủ trì.

Tham dự buổi Họp báo có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, gồm: PGS. TS. Hoàng Anh Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, PGS. TS. Phí Quyết Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, PGS. TS. Lê Trọng Lư - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, PGS. TS. Nguyễn Long Giang - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, TS. Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, TS. Lê Quỳnh Liên - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, bà Nguyễn Thị Vân Nga - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu, bà Phạm Thị Hiếu - Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, bà Hoàng Xuân Thùy - Phó Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm, TS. Nguyễn Xuân Điện - Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ cùng đại diện gần 40 cơ quan thông tấn, báo chí.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện Hàn lâm thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong “Chiến lược Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030” ban hành tại Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021, đến nay, Viện Hàn lâm đã hoàn thành trên 90% khối lượng các công việc cần thực hiện của Dự án từ nguồn vốn đối ứng; Đã và đang xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”; thực hiện quy trình thành lập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Việt Nam.

Viện Hàn lâm đã vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Từ ngày 15/12/2023 đến 14/5/2024, Trung tâm đã ghi nhận được 126 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,5 đến 4,1 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam, trong đó có 23 trận động đất có độ lớn M ≥ 3,5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin. Đặc biệt, ngày 25/3/2024, trận động đất có độ lớn 4,0 độ đã xảy ra tại ở khu vực huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.

Về nhiệm vụ phát triển Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm đang thực hiện các bước trong quy trình giải phóng mặt bằng tại huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội; từng bước hoàn thiện Trung tâm Bảo tồn tài nguyên Thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động, thực vật; tiếp nhận mẫu vật phục vụ công tác bảo tồn, cứu hộ.

 Viện Hàn lâm tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ứng dụng hệ thống giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) bàn giao kết quả cho Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hai Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý (được UNESCO công nhận và bảo trợ) đã hoạt động hiệu quả, góp phần khẳng định sự hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Căn cứ Chiến lược Phát triển Viện Hàn lâm đến năm 2030 tầm nhìn 2045, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, công nghệ trọng điểm, Viện Hàn lâm đã ban hành các quy định quản lý các đề án khoa học công nghệ trọng điểm, các đề tài nghiên cứu cơ bản chất lượng cao (cấp Viện Hàn lâm); hoàn thành công tác sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và xây dựng kế hoạch 2025. Cùng với đó, Viện Hàn lâm tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ định kỳ; tập trung triển khai nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xanh và ứng phó biến đổi khí hậu...

Viện Hàn lâm tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương với các đối tác quốc tế, nổi bật là một số hoạt động: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là đại diện toàn quyền Việt Nam tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu hạt nhân (JINR), tăng cường lực lượng cán bộ khoa học của Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc tại JINR, hai bên đã thảo luận về dự án xây dựng phòng thí nghiệm chung, dự án phát triển Trung tâm Thông tin JINR tại Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu biển với các đối tác quốc tế: Phối hợp với Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) triển khai chuyến khảo sát hải dương học hỗn hợp sử dụng tàu nghiên cứu khoa học ANTEA trong vùng biển ven bờ Việt Nam với sự tham gia của 34 nhà khoa học hai bên; phối hợp với đối tác Nga xây dựng phương án thực hiện chuyến khảo sát đa dạng sinh học và hóa sinh biển chung lần thứ 9 bằng tàu “Viện sĩ Oparin” và chuyến khảo sát địa chất và địa vật lý biển chung lần thứ 2 bằng tàu “Viện sĩ Lavrentiev” trong vùng biển Việt Nam, thực hiện “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018 - 2025 giữa Viện Hàn lâm và Viện Hàn lâm Khoa học Nga”. Tiếp tục thực hiện vai trò là đầu mối của Chính phủ tại các tổ chức quốc tế như: Viện Phân tích Hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA), Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học (IOC),…

Viện Hàn lâm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 của Viện Hàn lâm, như: Triển khai rà soát các quy định, quy chế về công tác cán bộ, công tác quản lý đề tài/nhiệm vụ, quy định về tổ chức đấu thầu; nghiên cứu và xây dựng Bộ tiêu chí về liêm chính khoa học; tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo chủ đề năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh bền vững”,…

Công tác ứng dụng, triển khai công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Tính đến ngày 16/5/2024, Viện Hàn lâm được cấp 53 sáng chế và giải pháp hữu ích, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ nổi bật 6 tháng đầu năm của Viện Hàn lâm có thể kể đến như: Nghiên cứu, chế tạo thành công Hệ thống chuẩn phục vụ kiểm định/hiệu chuẩn thiết bị đo bụi trong môi trường không khí” (ManDust) với công nghệ mới và sáng tạo là một sản phẩm đột phá trong lĩnh vực môi trường; chế tạo thành công mô hình thiết bị phản ứng hiệu năng cao dạng quay HP2R cho quy trình stripping nước thải có nồng độ ô nhiễm cao; xây dựng thành công quy trình công nghệ và bào chế thành công sản phẩm viên nén (bao phim) Lan Kim Tuyến và viên nén Sâm Đá hỗ trợ sức khoẻ cho bệnh nhân ung thư; tổng hợp thành công SPION/HAp - vật liệu lai siêu thuận từ có khả năng diệt tế bào ung thư bàng quang, mở ra hướng nghiên cứu triển vọng, ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực y sinh; chế tạo thành công Kit ELISA định lượng kháng nguyên ung thư CA125 chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng; làm chủ công nghệ chế tạo màng TiN trên nền hợp kim titan, định hướng ứng dụng trong ngành chấn thương chỉnh hình; xây dựng thành công quy trình công nghệ chiết xuất cao dược liệu Hương nhu tía và rau Sam đắng giàu hoạt chất và bào chế, sản xuất thử nghiệm thành công thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng viên có tác dụng hỗ trợ tăng cường trí nhớ; xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải bãi biển; làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu nano vô cơ và phụ gia ứng dụng trong công nghệ lớp phủ tiên tiến; xây dựng nền địa hóa đa mục tiêu quốc gia cho 06 tỉnh biên giới phía Bắc…

Về công tác thông tin, truyền thông và xuất bản, Viện Hàn lâm luôn chú trọng đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của Lãnh đạo Viện Hàn lâm và hoạt động nghiên cứu của các đơn vị trực thuộc. Cổng Thông tin điện tử của Viện Hàn lâm luôn được duy trì và phát huy hiệu quả tốt, thực hiện công tác công khai minh bạch theo quy định, làm cầu nối thông tin giữa độc giả với các nhà khoa học. Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024 đã có hơn 2 triệu lượt truy cập vào Cổng Thông tin điện tử. 06 tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm đã vào hệ thống Scopus hoạt động theo cơ chế đặc thù và duy trì được hệ thống trích dẫn tốt. Năm 2024, Viện Hàn lâm phê duyệt 23 đầu sách về xuất bản sách chuyên khảo. Tính đến nay, Nhà Xuấ bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ đã hoàn thành công tác chế bản, biên tập 7 bản thảo, chuẩn bị đưa vào xuất bản theo kế hoạch được phê duyệt.

Các nhà khoa học cung cấp thêm thông tin khoa học công nghệ

Các phóng viên đặt câu hỏi tại buổi Họp báo.
PGS.TS. Nguyễn Long Giang, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm, PGS. TS. Hoàng Anh Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có nhà máy chế biến tinh quặng đất hiếm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài quan tâm đến đất hiếm và muốn hợp tác với Việt Nam.

PGS. TS. Hoàng Anh Sơn, Viên trưởng Viện Khoa học vật liệu.

Tuy nhiên, một số ít nhà sản xuất tại các quốc gia có công nghệ chế biến sâu đất hiếm, nhưng giữ bản quyền công nghệ. Dưới góc độ nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu về công nghệ đất hiếm theo theo hướng phân chia bằng phương pháp trao đổi ion và sau đó, nghiên cứu phát triển công nghệ chiết đất hiếm đã được thực hiện từ rất sớm. Quy trình phân chia các nguyên tố đất hiếm nhẹ đến độ sạch cao bằng sắc ký đã phân tách riêng rẽ được các oxit đất hiếm Lantan, Neodym, Prazeodym, Samari, Eu-ropi ra khỏi tổng đất hiếm trên cột trao đổi cati-on và làm sạch đến 99,9%.

Quy trình công nghệ chiết phân chia trên hệ chiết liên tục ngược dòng 80 bậc đã sản xuất một số oxit đất hiếm sạch La2O3 99,9%; Pr 98,4%; Nd độ sạch 97,6% trong phòng thí nghiệm từ những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước. Thành tựu nổi bật là Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005 về “Công nghệ vật liệu đất hiếm phục vụ sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường” đã được trao cho các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học vật liệu.

PGS. TS Phí Quyết Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học.

Tại cuộc họp, PGS. TS Phí Quyết Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết thêm, tính từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Giám định ADN phát triển 13 quy trình phân tích ADN từ mẫu xương lâu năm. Trung tâm thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tỷ lệ tách thành công và bàn giao đạt 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu bàn giao cho Cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Viện Công nghệ sinh học đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình mẫu và 2 quy trình giám định ADN thường quy, tiếp tục hoàn thiện quy trình thay thế phục vụ công tác giám định. Nhưng hiện nay, với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại với máy giải trình tự gene thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, việc giám định ADN từ mẫu xương cổ được phân tích theo gene nhân sử dụng công nghệ mới. Viện Công nghệ sinh học sử dụng công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới (NGS) nhằm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, người mất tích trong chiến tranh. Việc ứng dụng công nghệ mới về khai thác ADN xương cổ được phối hợp Viện khảo cổ học nhằm xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại vài trăm năm đến nghìn năm. Đây là cơ sở tiếp tục phát triển giám định mẫu ADN xương cổ các liệt sĩ có thời gian chôn lấp đưa vào giám định từ 40-80 năm.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.

Về vấn đề động đất, TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu đã làm rõ thêm nguyên nhân động đất xảy ra liên tục trong thời gian gần đây. Ông cho biết, trong 142 trận động đất, ngoài các trận động đất kích thích tập trung ở các khu vực hồ thủy điện như tại Kon Tum, Quảng Nam, thì có 10 trận động đất tự nhiên. Các trận động đất tự nhiên xảy ra trên một số đới đứt gãy theo quy luật khi tích lũy đủ năng lượng thì xảy ra động đất. Động đất càng lớn thì khả năng lặp lại càng ít. Riêng trận động đất xảy ra ở Mỹ Đức (Hà Nội) vào tháng 3 vừa qua là dấu hiệu cho thấy hoạt động động đất vẫn xảy ra ở đứt gãy sông Hồng, sông Chảy. Trong quá khứ, khu vực này đã từng xảy ra động đất có độ lớn trên 5 độ Richter.

Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài, trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam với 40 đài, trạm địa chấn quan trắc động đất, 4 đài trạm địa từ, 7 trạm định vị sét và vật lý khí quyển, 1 trạm quan trắc biến dạng vỏ Trái Đất, 1 đài điện ly. Ngoài mạng trạm quốc gia, ở những khu vực trọng yếu có các công trình quan trọng, Viện Vật lý địa cầu cũng duy trì các mạng trạm quan trắc thuộc các đề tài, dự án khác, cụ thể là 28 trạm quan sát động đất phục vụ quan trắc đánh giá an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà; 10 trạm khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam; 10 trạm quan sát động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế; 8 trạm vật lý khí quyển khu vực Hà Nội. Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, với thiết bị hiện đại, các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3-5 phút sau khi động đất xảy ra. Thời gian tới Viện Vật lý Địa cầu sẽ làm lại bản đồ phân vùng động đất và đánh giá lại rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước.

Về Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc, TS. Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, dự án được đầu tư đồng bộ thành 3 phần: Hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực. Các hạng mục xây dựng các tòa nhà của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam về cơ bản đã hoàn thành, phần lớn các tòa nhà đã bàn giao cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từ 7/2024, phần còn lại dự kiến 12/2024. Đối với hạng mục phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ vũ trụ bao gồm: Trưng bày bảo tàng, nhà chiếu hình vũ trụ, kính thiên văn dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024 và từng bước đưa vào sử dụng.

TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

TS. Lê Xuân Huy cũng thông tin về vệ tinh LO-TUSat-1 nằm trong Dự án này. Vệ tinh LOTUSat-1 đã hoàn thành chế tạo vệ tinh hiện đang chờ lịch phóng vệ tinh được dự kiến vào tháng 2/2025. Theo kế hoạch này, dự kiến vệ tinh LO-TUSat-1 sẽ được bàn giao cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vào tháng 6/2025 sau 3 tháng thử nghiệm trên quỹ đạo. Trong dự án vệ tinh LO-TUSat-1, có hạng mục quan trọng là các thiết bị mặt đất bao gồm trạm mặt đất (ăng ten 9,3 m), trung tâm vận hành điều khiển vệ tinh, trung tâm ứng dụng dữ liệu vệ tinh. Các thiết bị này đã tiến hành lắp đặt hệ thống mặt đất tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc từ tháng 5/2024, tháng 9/2024 sẽ bàn giao hệ thống này. Dự kiến đến tháng 12/2025, Trung tâm nghiên cứu, phát triển, lắp ráp, tích hợp, thử nghiệm và vận hành các vệ tinh nhỏ dưới 180 kg "Made in Vietnam" sẽ hoàn thành. Đây là cơ sở để Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng như Viện Hàn lâm thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ".

TS. Nguyễn Trần Điện, Phó Trưởng Ban ứng dụng và Triển khai công nghệ.

TS. Nguyễn Trần Điện - Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ cũng chia sẻ thêm việc thúc đẩy ứng dụng và triển khai công nghệ từ những đề tài liên quan các Bộ, ngành, địa phương, các nhiệm vụ phát triển công nghệ, các dự án sản xuất thử nghiệm…Đây cũng là tiền đề để các nhà khoa học của Viện Hàn lâm nghiên cứ và đăng kí sáng chế và giải pháp hữu ích. Tính trung bình mỗi năm, Viện Hàn lâm có 40 - 60 sáng chế và giải pháp hữu ích, tập trung ở lĩnh vực công nghệ sinh học, môi trường, vật liệu và hóa hợp chất thiên nhiên.

Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh cho biết, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024, Viện Hàn lâm tiếp tục triển khai thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc; triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình Vật lý, Chương trình Toán học và Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực: Hoá học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025; Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo; Chiến lược quốc gia về công nghệ vũ trụ. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; xây dựng và triển khai chương trình thu hút nhà khoa học và cán bộ trẻ trình độ cao; triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 35-CT/TW 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Ảnh: Lê Minh Đức

Copyright © 2025 ISDI-VAST. All rights reserved.