Thứ Tư, 30/04/2025
Tìm kiếm
Ngày: 31/01/2024 | 2941
Bản tin KHCN xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách:”Các loài lan đặc hữu, quý hiếm và có giá trị ở Tây Nguyên” nằm trong bộ sách chuyên khảo”Tài nguyên thiên nhiên và môi trường Việt Nam” của tác giả Nông Văn Duy. Cuốn sách giới thiệu về các loài lan đặc hữu, quý hiếm và có giá trị ở Tây Nguyên đồng thời cũng đưa ra các giải pháp bảo tồn các loài lan đặc hữu quý hiếm đã và đang bị đe doạ có nguy cơ tuyệt chủng. Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích, có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.
Ở Việt Nam, lan rừng là một trong những đối tượng cực kỳ phong phú và đặc sắc của hệ thực vật Việt Nam, là một họ có giá trị tài nguyên về nhiều mặt đối với nền kinh tế, đời sống con người thuộc vào loại bậc nhất trong các họ tài nguyên cây rừng của hệ thực vật nước ta. Lan là một họ có số lượng loài lớn và thành phần đa dạng nhất trong hệ thực vật bậc cao có mạch của Việt Nam, chiếm 10 %, khoảng 1.200 loài đã biết. Số lượng các loài lan mới phát hiện gần đây càng tăng lên. Từ năm 2015 đến nay các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã phát hiện nhiều cái lan mới cho hệ thực vật Việt Nam như các chi Bidupia, Corybas, Cylindrolobus, Hymenorchis Octarrhena,...
Cuốn sách gồm 4 Chương: Giới thiệu về cảnh quan sinh thái và thảm thực vật họ lan; Phân loại và đặc điểm về họ lan; Đặc điểm các loài lan đặc hữu, quý hiếm ở Tây nguyên; Kỹ thuật nhân giống một số loài lan đặc hữu và quý hiếm.
Họ Lan là một trong những đỉnh cao sự tiến hoá của thực vật có hoa với khoảng 25.000 loài, có mặt khắp toàn cầu, song tập trung nhiều nhất là ở vùng nhiệt đới. Hoa lan được ví như một loài hoa vương giả bởi màu sắc tuyệt đẹp, lâu tàn, hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng mà quý phái. Nhiều loài lan rừng cho hoa, màu sắc và hương thơm rất đa dạng, nên được nhiều người ưa chuộng như các loài thuộc các chi: Aerides, Arachnis, Coelogyne, Cymbidium, Dendrobium, Paphiopedilum,... hoa lan là một trong những loài hoa đem lại giá trị kinh tế rất cao. Ở một số nước như Thái Lan, Singapore, Hawaii của Mỹ,... việc trồng hoa lan đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu lên đến hàng chục triệu đô la. Các loài lan phụ sinh là thực vật chỉ thị cho chất lượng môi trưởng, cảnh quan rừng trong vùng phân bố của chúng. Sự có mặt của chúng và phát triển bình thường là thể hiện môi trường sinh thái rừng ít bị thay đổi. Do đó, sự vắng mặt của chúng trong vùng phân bố là sự cảnh báo về chất lượng môi trường đã bị thay đổi về cơ bản. Tây Nguyên với diện tích khoảng 5 vạn km nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á, một trong những trung tâm phong phú loài thực vật nhất thế giới. Do điều kiện tự nhiên ở đây hình thành nên thảm thực vật nguyên sinh là các loại rừng rậm ưa mưa nhiệt đới, rừng rậm thường xanh và rừng nửa rụng lá mưa mùa nhiệt đới với thành phần loài rất phong phú. Hơn nữa, do địa hình bị chia cắt tương đối mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho sự bảo tồn các loài thực vật cổ cũng như hình thành nhiều loài mới, làm cho thực vật khu vực này có tính đặc hữu cao. Với điều kiện tự nhiên đa dạng và phong phú, họ Lan trong hệ thực vật của Tây Nguyên rất đa dạng về thành phần taxon (chi, loài, thứ). Tuy nhiên, việc nghiên cứu về nó còn ít, chủ yếu nghiên cứu về hệ thống phân loại. Còn về công tác điều tra, thu thập nhằm bảo tồn nguồn gen các loài đặc hữu, quý hiếm và lọc chọn các loài có giá trị kinh tế phục vụ cho công tác nhân giống ít được quan tâm đến.
Hiện nay, lan rừng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cao vì sự thay đổi môi trường sống do con người gây nên và việc thu mua với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu cho người chơi lan. Việc phá hủy nơi sống tự nhiên của lan rừng có liên quan đến tốc độ phát triển kinh tế và sự gia tăng dân số của Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng. Việc mở rộng các vùng nông thôn và phát triển đất nông nghiệp, các hoạt động chặt cây phá rừng, xây dựng đường sá, việc sử dụng đất cho phát triển nông công nghiệp, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân đã làm gia tăng tốc độ suy giảm nơi sống tự nhiên của lan rừng trên toàn bộ nước ta. Các loài lan rừng là thành phần quan trọng của rừng nguyên sinh nhiệt đới ở Việt Nam đã bị suy thoái nhiều trong những năm gần đây, chúng thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Vì vậy, nhóm lan rừng là thực vật bị đe doạ tuyệt chủng đặc biệt và sẽ biến mất trước tiên sau khi nơi sống tự nhiên của chúng bị suy thoái. Trong quá trình khai thác rừng đã tạo ra nhiều bất lợi cho sự tồn tại, sinh trưởng và phát triển của lan. Việc chặt hoàn toàn hoặc từng phần cây gỗ ở các khu rừng đã làm tăng nhanh sự suy thoái không đảo ngược rừng nguyên sinh. Kết quả là môi trường sống của lan rừng bị phá hủy, đồng thời tạo khoảng trống trong rừng làm tăng khả năng chiếu sáng xuống mặt đất giảm độ ẩm dẫn tới giảm sút khả năng sinh sản bằng hạt và sinh sản sinh dưỡng. Cháy rừng cũng là nguyên nhân phá hủy thảm thực vật nguyên sinh nhanh hơn và trên diện rộng hơn. Tại những khu vực đông dân, những diện tích rừng lớn thường bị con người đốt cháy. Những năm gần đây việc thu hái trên quy mô lớn của những người dân địa phương để bán cho người buôn lan. Việc thu hái trên diện rộng và xuất khẩu một lượng lớn các loài lan mọc trong tự nhiên xảy ra khắp nơi. Nhu cầu trên thị trường quốc tế về các loài lan Việt Nam mọc ngoài tự nhiên rất cao. Việc mua bán tất cả các loài lan trên đều bất hợp pháp, không có bất cứ sự cho phép chính thức nào của cơ quan thẩm quyền CITES của Việt Nam. Một số tạp chí lan nổi tiếng đã công bố các bài báo dựa trên các cây do nhập bất hợp pháp mà có được. Sự sống còn của các loài lan rừng ở Việt Nam hiện vẫn chưa chắc chắn. Việc bảo tồn các quần thể lan ở ngoài thiên nhiên là rất phức tạp, đòi hỏi những hiểu biết cơ bản về hệ thực vật, tổ chức các khu bảo tồn, quản lý có hiệu quả các quần thể đã được biết tới, bảo vệ và ngăn cấm có hiệu quả theo luật pháp các hoạt động thu mua bất hợp pháp. Việc bảo tồn thiên nhiên là mối quan tâm hiện nay của Chính phủ Việt Nam. Ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có một mạng lưới rộng khắp các khu bảo tồn được thành lập. Tuy nhiên, vẫn chưa thể ngăn cản có hiệu quả sự tuyệt chủng của các loài lan cũng như các loài thực vật khác đang có nhu cầu trên thị trường và bị những người dân địa phương tìm thu mua ở khắp nơi. Trong quá trình nghiên cứu thực địa nhận thấy rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá khắp nơi làm suy giảm môi trường sống của lan, lan đã và đang trở thành hàng hóa bán công khai trên các đường phố thuộc các tỉnh Tây Nguyên như: đường phố ở thành phố Kon Tum, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt,... Vì vậy, việc bảo tồn lan rừng Tây Nguyên là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Cuốn sách cũng đã đưa ra các phương án bảo tồn tại chỗ như: Mở rộng việc giáo dục cộng đồng về mục đích của bảo tồn và nhu cầu bảo vệ các loài hiếm và đặc hữu như là một phần của di sản quốc gia. Tuyên truyền rộng rãi về bảo vệ chính thức và cấm buôn bán tự do cũng như xuất khẩu trái phép các loài lan hoang dại của Việt Nam. Nâng cao sự hiểu biết xã hội về ý nghĩa của việc bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đối với việc phát triển du lịch sinh thái, giáo dục, làm vườn, lai tạo, chọn giống, đa dạng sinh học và các lợi ích khác của quốc gia. Đặc biệt nhà nước cần có các biện pháp bảo vệ có hiệu quả và khẩn cấp những khu rừng nguyên sinh. Khoanh vùng bảo vệ và bảo vệ khỏi sự xâm nhập khai thác của con người; ngăn cấm có hiệu quả việc khai thác lan rừng. Quy hoạch những nơi có điều kiện sinh cảnh tương tự vùng phân bố tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên (VQG Bì Đúp - Núi Bà, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin, Chư Mom Ray và Khu BTTN Ngọc Linh,...) để làm nơi bảo tồn nguồn gen các loài lan rừng đặc hữu, quý, hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.
Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, ở khắp Tây Nguyên rộ lên phong trào sưu tập các loài lan rừng. Chính từ đó, nó đã trở thành một loại hàng hóa được buôn bán trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, một số loài lan rừng đặc hữu, quý hiếm do chỉ có khai thác trong tự nhiên mà chưa có kế hoạch gây trồng nên đang trong tỉnh trạng nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra các khu rừng nguyên sinh ở Tây Nguyên được bảo tồn còn tương đối nguyên vẹn, cũng là khu vực đã phát hiện nhiều loài thực vật mới cho khoa học.
Tin: Phan Thị Nam Phương
Copyright © 2025 ISDI-VAST. All rights reserved.