Thứ Tư, 30/04/2025
Tìm kiếm
Ngày: 30/04/2024 | 6786
Bản tin KHCN xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bộ sách chuyên khảo về: “Biển, Đảo Việt Nam: Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển”. Bộ sách được biên soạn dựa trên kết quả đã có từ việc thực hiện các Chương trình điều tra nghiên cứu biển cấp Nhà nước do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì trong nhiều năm, cũng như kết quả nghiên cứu ở các ngành trong thời gian qua.
Việt Nam là một quốc gia biển, có vùng biển chủ quyền rộng khoảng một triệu kilômét vuông, đường bờ biển trải dài hơn 3.260 km, một hệ thống đảo ven bờ và vùng khơi chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng về mặt an ninh quốc phòng cũng như kinh tế - xã hội của đất nước. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Đảng và Nhà nước ta xây dựng, đã xác định những nhiệm vụ chiến lược phải hoàn thành, nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, phát triển kinh tế biển, khoa học công nghệ biển, đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, phù hợp với xu thế khai thác đại dương của thế giới trong thế kỷ XXI.. Công cuộc điều tra nghiên cứu biển ở nước ta đã được bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX, song phải tới giai đoạn từ 1954 và nhất là sau năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, hoạt động điều tra nghiên cứu biển nước ta mới được đẩy mạnh, nhiều Chương trình cấp Nhà nước, các Đề án, Đề tài ở các ngành, các địa phương ven biển mới được triển khai. Qua đó, các kết quả nghiên cứu đã được công bố, đáp ứng một phần yêu cầu tư liệu về biển, cũng như góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng biển, các hoạt động khai thác, quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường biển trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, các nhiệm vụ lớn của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách và to lớn về tư liệu biển.
Cuốn sách bao gồm 4 Chương:
Chương I: Cơ sở khoa học và thực tế về thềm lục địa theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển (Bùi Công Quế, Phùng Văn Phách).
Chương II: Cơ sở khoa học địa chất phục vụ việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước LHQ 1982 về Luật biển (Phùng Văn Phách, Lê Đức Anh).
Chương III: Cơ sở khoa học địa vật lý phục vụ việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước LHQ 1982 về Luật biển (Bùi Công Quế, Trần Tuấn Dũng).
Chương IV: Ứng dụng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý vào việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước LHQ 1982 về Luật biển (Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường).
Nội dung cuốn sách đã trình bày rõ các cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý phục vụ cho việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng của Việt Nam phù hợp với Công ước của LHQ 1982 về Luật biển. Các cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý được xây dựng cho mục tiêu này khác với những cơ sở dữ liệu và tư liệu địa chất và địa vật lý thông thường bởi phải đáp ứng nhiều tiêu chí và đòi hỏi khắt khe về cơ sở lý luận, về dữ liệu, về vận dụng kiến thức trên thực tế phát triển địa chất rất phức tạp và đa dạng của Trái đất nói chung và trên vùng Biển Đông nói riêng. Để đáp ứng những quy định pháp lý của Điều 76 trong UNCLOS 1982 về giới hạn và phạm vi của thềm lục địa nên các cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý được phát triển sâu và rộng về các hướng như cấu trúc địa chất, kiến tạo, địa hình, địa mạo, các trường địa vật lý, cấu trúc sâu vỏ Trái đất và lịch sử tiến hóa địa chất của vỏ Trái đất trên vùng biển Việt Nam và Biển Đông trong Kainozoi. Với những nội dung và chất lượng như vậy cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý được xây dựng cho mục tiêu phục vụ việc xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam theo Công ước LHQ 1982 đã được sử dụng thực hiện nhiệm vụ quốc gia quan trọng và cấp bách là xác định phạm vi và giới hạn của thềm lục địa Việt Nam theo Điều 76 của Công ước LHQ 1982 và cho việc tiếp tục bảo vệ quyền lợi đó trong tương lai. Cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý trình bày trong chuyên khảo đã được bổ sung, cập nhật đầy đủ và sâu sắc về số liệu cũng như phương pháp luận và kỹ thuật nghiên cứu và điều tra, khảo sát trên thực địa. Mặc dù vậy, với sự phát triển nhanh và hiện đại của các phương pháp và công nghệ điều tra khảo sát địa chất và địa vật lý biển và để đáp ứng cao nhất những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe về chất lượng các nguồn số liệu sử dụng để xác định các yếu tố cấu trúc của thềm lục địa theo UNCLOS 1982. Vì vậy, sở khoa học địa chất và địa vật lý nói trên vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện và phát triển trong thời gian tới để luôn sẵn sàng và kịp thời phục vụ hiệu quả nhất cho nhiệm vụ xác định phạm vi và giới hạn các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước LHQ 1982 về Luật biển và luật pháp quốc tế khác.
Mặc dù cho đến nay Việt Nam đã có gần 50 năm điều tra, khảo sát về địa chất và địa vật lý trên vùng biển rộng lớn của mình, việc xây dựng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý để phục vụ cho việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo Điều 76 của Công ước LHQ 1982 vẫn là khá mới mẻ và không dễ dàng với nhiều lý do. Thứ nhất là nguồn số liệu điều tra, khảo sát địa chất và địa vật lý của ta trong những năm qua tuy khá lớn về số lượng nhưng thấp kém về chất lượng và không đồng bộ, diện phân bố không đồng đều và không rộng, tập trung chủ yếu ở vùng ven bờ và bên trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, do đó yêu cầu phải có những bổ sung và nâng cao chất lượng các khảo sát địa chất và địa vật lý, đặc biệt là ở các vùng nước sâu và triển khai các phương pháp khảo sát sâu trong vỏ Trái đất như địa chấn sâu, mở rộng vùng khảo sát ra phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, về phía trung tâm Biển Đông để có những nghiên cứu sâu và chi tiết về cấu tạo phần vỏ kiểu đại dương trên Biển Đông. Thứ hai là những công trình điều tra, khảo sát trước đây trên vùng biển Việt Nam chỉ tập trung vào tầng trầm tích trong phạm vi các bể dầu khí và vùng ven bờ, rất ít công trình vươn ra phía ngoài thềm và nghiên cứu những tầng sâu trong vỏ Trái đất, không có những số liệu và kết quả nghiên cứu xác định tính liên tục và sự phát triển kéo dài tự nhiên của lục địa từ trong đất liền ra biển và ra tới giới hạn nào. Để khắc phục hạn chế này cần phải có những nghiên cứu về các trường dị thường địa vật lý, các nghiên cứu về cấu trúc sâu vỏ Trái đất không chỉ trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam mà phải mở rộng ra cả vùng trung tâm Biển Đông, nghiên cứu về lịch sử tiến hóa kiến tạo của Biển Đông để xác định sự hình thành và phát triển phần vỏ đại dương. Thứ ba là địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam rất phức tạp với tính phân cắt cao và biến động nhanh tạo ra nhiều khó khăn và hạn chế khi xác định ranh giới giữa các yếu tố cấu trúc của ria lục địa như đường chân dốc lục địa, đới sườn dốc lục địa, đới chân lục địa,... do đó phải có những khảo sát địa vật lý có độ tin cậy cao để tổ hợp với các nghiên cứu cấu tạo bên trong vỏ Trái đất để xác định đới chuyển tiếp vỏ lục địa - vỏ đại dương làm bằng chứng ngược như quy định trong Công ước LHQ 1982. Còn nhiều lý do khác nữa đòi hỏi phải cập nhật và sử dụng những thành tựu và tiến bộ mới nhất của khoa học địa chất và địa vật lý hiện đại để đảm bảo các kết quả xác định các đặc trưng cấu trúc và quy luật tiến hóa địa chất phục vụ xác định ranh giới thềm lục địa đáp ứng những yêu cầu của Công ước LHQ 1982. Hy vọng bộ sách sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu tư liệu biển hiện nay cho công tác nghiên cứu, đào tạo và phục vụ yêu cầu các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển, đồng thời phát triển kinh tế, khoa học công nghệ biển và quản lý tài nguyên, môi trường biển góp phần thiết thực vào việc thực hiện việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đảng và Nhà nước, cũng như các năm tiếp theo.
Tin: Phan Thị Nam Phương
Copyright © 2025 ISDI-VAST. All rights reserved.